Hiệu quả của lò sấy cải tiến theo phương pháp gián tiếp


YBĐT - Công ty TNHH xây lắp và cơ khí Hồng Hà vừa đề xuất và được Hội đồng KH&CN thành phố Yên Bái cho phép triển khai thực hiện dự án "Xây dựng mô hình lò sấy cải tiến theo phương pháp gián tiếp để sấy miến dong và các loại nấm tại thành phố Yên Bái".
Kiểm tra mộc nhĩ sấy bằng lò cải tiến theo phương pháp gián tiếp tại gia đình ông Nguyễn Thành Luân, thôn Trực Bình II, xã Minh Bảo (thành phố Yên Bái).

Căn cứ vào các đặc tính của sản phẩm dự kiến đưa vào sấy là miến dong, các loại nấm dược liệu và nấm ăn là các sản phẩm thực phẩm nên phải dùng nhiệt sạch, tức là gió nóng trong lò sấy được lưu thông qua ống gang hoặc thép (Caloriphe) dẫn ra ngoài tạo thành mặt thoáng giữa các khay sấy.

Giai đoạn đầu nhóm nghiên cứu đã đưa ra phương án thiết kế, chế tạo và xây dựng mô hình lò sấy cải tiến theo phương pháp gián tiếp kiểu lò đứng nhưng khi vận hành sấy thử nghiệm không đạt được kết quả so dự kiến, nhiệt cung cấp không đủ do diện tích tiếp xúc nhiệt của ống thu nhiệt ít, khi cấp nhiệt vào buồng đốt thì nhiệt độ của khí nóng giảm nhanh, khoang đốt dung tích nhỏ nên việc đốt lò gặp nhiều khó khăn.

Sau khi nghiên cứu một số tài liệu kỹ thuật trong và ngoài nước, nhóm nghiên cứu đã quyết định thay đổi phương án thiết kế, xây dựng kiểu lò đứng bằng lò kiểu lò nằm có công suất cấp nhiệt lớn hơn, buồng đốt rộng hơn, diện tích tiếp xúc nhiệt của ống thu nhiệt lớn nên nhiệt độ khí cao, lượng khí nóng nhiều hơn. Các ống thép thu nhiệt được bố trí phía trên buồng đốt nên khi không khí qua cửa buồng đốt được làm nóng bởi củi đốt sẽ cùng với khói thải đi vào đường ống thu nhiệt, sau đó được thoát ra ngoài qua ống khói.

Sau 6 tháng (từ tháng 7 - 12/2011) triển khai nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, xây dựng mô hình lò sấy cải tiến theo phương pháp gián tiến để sấy miến dong và các loại nấm, đến nay dự án đã xây dựng hoàn chỉnh 2 lò sấy kiểu lò nằm tại gia đình ông Nguyễn Danh Chiến ở thôn 6, xã Giới Phiên và gia đình ông Nguyễn Thành Luân ở thôn Trực Bình II, xã Minh Bảo.

Kết quả theo dõi quá trình sấy thử nghiệm sản phẩm miến dong và các loại nấm cho thấy, khi đưa vào sấy ở buồng 1 sản phẩm sẽ nhanh khô hơn ở buồng 2, vì vậy khi sấy cần lưu ý những phên ướt cho buồng sấy 2 trước để tận thu nhiệt nóng làm bốc bớt hơi nước rồi mới chuyển vào buồng 1, đây là nơi gió được cấp có nhiệt độ cao nên sản phẩm được sấy khô nhanh hơn.

 

Trồng nấm rơm cho người dân thu nhập cao. (Ảnh: Chí Sinh)

Sau khi sản phẩm sấy ở buồng 1 đã khô cho ra lò thì tiếp tục chuyển sản phẩm sấy từ buồng 2 sang và lại tiếp tục cho sản phẩm sấy ướt vào buồng 2. Căn cứ vào nguyên liệu đầu vào, sản lượng sản phẩm đã sấy khô thu được và giá bán sản phẩm so với tỷ lệ tiêu hao nhiên cho thấy doanh thu thu được trong quá trình sấy nấm linh chi đạt hiệu quả cao nhất, sau đó đến mộc nhĩ, tiếp theo là miến dong và cuối cùng là nấm sò, cụ thể như sau:

- Đối với sấy miến dong: chỉ sản xuất được khi có thời tiết thuận lợi, đó là trời nắng, có gió miến nhanh khô đạt chất lượng tốt. Tuy nhiên, miến dong khi phơi cũng như sấy không cần phải khô giòn sẽ khó khăn cho việc bó miến thành con. Việc sấy miến chỉ có hiệu quả cao khi thời tiết mưa nhiều, giờ nắng ít, nhất là vào thời gian từ tháng 9 đến tháng 11 âm lịch. Lý do khi sấy bằng nhiệt thì phải tiêu tốn điện, củi. Trung bình với 1 hộ trong 1 ngày sản xuất miến dong nếu trời nắng thì trong 8 tiếng sẽ phơi được từ 120 - 150 kg miến khô.

Trong khi sấy miến bằng lò sấy với trường hợp đã hong miến, mỗi lần chỉ sấy được khoảng 15 kg miến khô, với thời gian sấy là 2 giờ được 1 mẻ thì trong vòng 8 giờ mới sấy được 4 mẻ, tương đương với 60 kg miến khô. Như vậy so với phơi nắng thì năng suất của lò sấy chỉ bằng một nửa, nên việc sấy miến dong chỉ có hiệu quả cao khi thời tiết xấu, không phơi được, nhất là khi mưa phùn gió bấc kéo dài mà cần phải có miến để bán theo hợp đồng hoặc bán tự do với giá cao hơn thường ngày.

Trường hợp không mưa nhưng không có nắng thì việc sấy miến sẽ có hiệu quả hơn khi miến đã được phơi hong để bay hơi bớt một phần nước trước khi cho vào sấy. Kết quả sấy thử nghiệm cho thấy, trung bình mỗi mẻ sấy có công suất sấy được 25 kg bột đạo ép thành sợi miến đưa vào lò sấy sau khoảng 2 giờ sẽ thu được 15 kg miến dong khô, tiêu tốn hết 0,3 m3 củi và 5,6 kw điện.

- Đối với sấy mộc nhĩ: việc nuôi trồng mộc nhĩ thuận tiện nhất là vụ thu đông (bắt đầu từ tháng 9 - 12 dương lịch), đây là giai đoạn sẽ có thời điểm có gió mùa đông bắc trời mưa kéo dài nhiều ngày không có nắng. Nếu mộc nhĩ ở giai đoạn này đến thời kỳ thu hái sẽ không phơi được, tuy mộc nhĩ đã đến kỳ thu hái có thể để thêm một thời gian từ 5 - 10 ngày nhưng nếu để lâu không thu hái sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, ảnh hưởng đến thời gian sinh trưởng của mộc nhĩ ở những lứa tiếp theo.

Sau khi thu hái có thể để mộc nhĩ ở nơi khô ráo thoáng gió vài ngày để hơi nước trong mộc nhĩ bay hơi dần nếu trời không có nắng nhưng nếu sau khi thu hái được phơi ngay thì mộc nhĩ sẽ có chất lượng tốt hơn. Mộc nhĩ sấy trong lò sấy có thời gian ngắn hơn nhiều so với phơi nắng, lượng sấy được nhiều hơn trên cùng diện tích mặt bằng.

Mộc nhĩ sấy chất lượng cao hơn hẳn so với phơi nắng vì thời gian sấy ngắn hơn, nhiệt độ sấy đảm bảo, độ khô đồng đều, có màu vàng sậm và hương vị thơm. Trung bình mỗi mẻ sấy có công suất sấy được 1.000 kg mộc nhĩ tươi đưa vào lò sấy sau khoảng 10 giờ sẽ thu được 100 kg mộc nhĩ khô, tiêu tốn hết 1,5 m3 củi và 28 kw điện. 

- Đối với sấy nấm sò: nấm sò có thời gian sinh trưởng ngắn, nấm được tiêu thụ chủ yếu là nấm tươi nên nếu sản xuất với số lượng lớn thì cần phải được sấy khô. Việc tiêu thụ nấm sò tươi gặp khó khăn nếu lượng nấm thu hái vượt nhu cầu tiêu dùng hàng ngày, khi đó lượng nấm không tiêu thụ hết để sang hôm sau nếu không bảo quản tốt sẽ bị hỏng. Lâu dài khi phát triển nuôi trồng nhiều nấm sò thì việc sấy nấm sẽ cho hiệu quả cao.

Một vấn đề khác nữa là nếu tiêu thu nấm sò tươi thì chỉ hái khi đủ kích thước, còn nếu là nấm khô thì có thể để nấm phát triển dài thêm nữa (nấm già). Sản phẩm nấm sò sau khi sấy khô có chất lượng cao hơn hẳn phơi nắng vì thời gian sấy ngắn hơn, nhiệt độ sấy đảm bảo hơn, nấm khô đều, có mầu vàng sậm, có hương vị thơm hơn. Trung bình mỗi mẻ sấy có công suất sấy được 200 kg nấm sò tươi đưa vào lò sấy sau khoảng 10 giờ sẽ thu được 25 kg nấm sò khô, tiêu tốn hết 1,5 m3 củi và 28 kw điện. 

- Đối với sấy nấm linh chi: có đặc điểm là chỉ sử dụng sản phẩm khô nên một số hộ sản xuất nhiều, thu hái vào lúc thời tiết xấu mưa nhiều thì đều phải sấy. Nấm linh chi sau khi sấy có chất lượng đảm bảo, mầu sắc đẹp, thời gian sấy ngắn hơn so với phơi nắng, độ khô tốt hơn, mùi thơm đặc trưng. Đối với linh chi do giá thành của nấm cao nên chi phí sấy rất nhỏ so với giá bán, ít ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm. Trung bình mỗi mẻ sấy có công suất sấy được 80 kg nấm linh chi tươi đưa vào lò sấy sau khoảng 5 giờ sẽ thu được 30 kg nấm linh chi khô, tiêu tốn hết 0,75 m3 củi và 14 kw điện. 

Những kết quả trên cho thấy, việc triển khai dự án xây dựng mô hình lò sấy cải tiến theo phương pháp gián tiến để sấy miến dong và các loại nấm đã góp phần thúc đẩy nghề sản xuất miến dong và nuôi trồng nấm phát triển bền vững, giúp cho các hộ nông dân từng bước chuyển đổi sang phương thức sản xuất mới có hiệu quả cao để góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố Yên Bái.

Đỗ Văn Sơn